Tăng cường và nâng cao nhận thức công tác truyền thông về ATVSLĐ

0
855
Ngày 29/6, tại Hải Phòng, Cục an toàn lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn cho phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí về những vấn đề trọng tâm trong công tác truyền thông về an toàn, vệ sinh lao động.

Số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, mỗi ngày trên thế giới có khoảng 5.000 người chết vì tai nạn lao động hoặc tai nạn liên quan đến nghề nghiệp. Hàng năm, tổng số người chết từ 2 – 2,3 triệu người  trong đó khoảng 350.000 người chết do tai nạn lao động; khoảng 1,7 – 2 triệu trường hợp hợp chết người do bị bệnh tật liên quan đến công việc. 270 triệu vụ tai nạn lao động khiến người lao động phải nghỉ việc ít nhất là 3 ngày, khoảng 160 triệu trường hợp bị bệnh liên quan đến công việc không gây chết người. Thiệt hại khoảng 4% GDP của toàn thế giới.

 

Đảm bảo an toàn, sức khỏe và tính mạng cho người lao động là một trong những chủ trương, chính sách lớn, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, coi trọng. Tại Điều 35, Hiến pháp năm 2013 có quy định:“Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi”. Luật An toàn, vệ sinh lao động có hiệu lực từ tháng 7/2016 với nhiều nội dung, chính sách quan trọng lần đầu được điều chỉnh như: Mở rộng đối tượng áp dụng đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động; xác định, đánh giá, quản lý rủi ro; cải thiện điều kiện lao động và xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc.

 

 

Cục trưởng Hà Tất Thắng phát biểu tại buổi tập huấn

Sau 18 năm tổ chức Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ và 2 năm tổ chức Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động, các địa phương, hàng trăm nghìn doanh nghiệp, cơ sở với hàng triệu người lao động đã tham gia hưởng ứng rất tích cực sôi nổi trên khắp cả nước. Đồng thời với triển khai hệ thống chính sách, pháp luật mới về an toàn vệ sinh lao động đã làm chuyển biến tích cực nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, người lao động và toàn xã hội. Tuy nhiên, tình hình tai nạn lao động vẫn tiếp diễn với nhiều nguyên nhân khác nhau. Năm 2017 nước ta đã xảy ra 8.956 vụ tai nạn lao động, làm 9.173 người bị nạn, trong đó có 928 người chết, 1.915 người bị thương nặng. Tai nạn lao động xảy ra nhiều ở những địa phương có các khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề, hầm mỏ như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đồng Nai…

 

Ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, trung bình mỗi thanh tra viên lao động phải kiểm soát khoảng 2.200 doanh nghiệp; chỉ có 0,22% doanh nghiệp đang hoạt động được thanh tra pháp luật lao động/năm. Cả nước có khoảng 7 triệu lao động được tập huấn về an toàn, vệ sinh lao động, bằng hơn 10% số lao động trong độ tuổi.

Công tác thanh tra chưa được tiến hành thường xuyên, cộng với sự chủ quan, thờ ơ của người lao động và người sử dụng lao động là nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn lao động, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh, an toàn tại nơi làm việc.

 

 

Buổi tập huấn ATVSLĐ đã thu hút được sự tham gia đông đảo các cơ quan báo chí

Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường làm việc gây ra rất nhiều loại bệnh nghề nghiệp. Theo thống kê của Cục quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế), người lao động ở nước ta đã mắc 30/34 loại bệnh nghề nghiệp, phổ biến là bệnh điếc do chịu tiếng ồn quá lớn trong thời gian dài, bệnh hen phế quản, bệnh bụi phổi silic, nhiễm độc nicotin,…

 

Nhằm cải thiện tình trạng tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Cục An toàn lao động đề nghị các cơ quan chức năng triển khai rộng rãi Luật An toàn vệ sinh lao động; tăng cường ý thức chủ động phòng ngừa, tiến tới đẩy lùi các nguy cơ mất an toàn lao động trong khu vực không có quan hệ lao động; đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động. Đồng thời, các cơ quan báo chí tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp, người lao động để phản ánh mọi mặt của công tác an toàn vệ sinh lao động: quá trình đầu tư công nghệ, xây dựng hệ thống quản lý, văn hóa an toàn lao động, các hoạt động thanh, kiểm tra; những tiêu cực, vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, tai nạn, sự cố và bệnh nghề nghiệp trong lao động…

 

 

Ông Hà Tất Thắng, Cuc trưởng Cục An toàn lao động cho rằng,

cuộc tập huấn hôm nay, là dịp chia sẻ thiết thực với các cơ quan báo chí các thông tin,

các chính sách và những nội dung trọng tâm trong công tác ATVSLĐ

Chú trọng tuyên truyền các mô hình, những điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu, tích cực, có nhiều sáng kiến trong lĩnh vực AT,VSLĐ nhằm nhân rộng, tạo phong trào thi đua về AT,VSLĐ trong cộng đồng DN. Đồng thời cần phản ánh kịp thời, công khai các vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet những DN, đơn vị vi phạm AT,VSLĐ. Đào tạo, mở rộng Phát triển đội ngũ tình nguyện viên, tuyên truyền viên ( xây dựng mạng lưới) tại các doanh nghiệp, làng, xã, chi hội ở địa phương…để tạo sức lan tỏa sâu rộng và chính họ mới là lực lượng thường xuyên, dễ tiếp cận nhất với người lao động trong khu vực không có hợp đồng lao động…

 

Ông Hà Tất Thắng, Cuc trưởng Cục An toàn lao động cho rằng, cuộc tập huấn hôm nay, là dịp chia sẻ thiết thực với các cơ quan báo chí các thông tin, các chính sách và những nội dung trọng tâm trong công tác ATVSLĐ cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng để các cấp, các ngành, DN và NLĐ, cộng đồng có nhận thức tốt hơn trong công tác đảm bảo ATVSLĐ; về phía Cục An toàn lao động sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí trong việc cung cấp thông tin về những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác ATVSLĐ; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ và công khai các vi phạm trên các phương tiện báo chí. Buổi tập huấn cũng là dịp để các DN, cơ sở chia sẻ những sáng kiến, giải pháp cải thiện điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh lao động; tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; sự hợp tác và hội nhập quốc tế về an toàn, vệ sinh lao động.

Nguồn:antoanlaodong.gov.vn